GIÃN PHẾ QUẢN
I, Giãn phế quản là gì?
Bệnh giãn phế quản được định nghĩa là giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường Tỷ lệ mắc bệnh Giãn phế quản ở thời đại trước khi có kháng sinh là một bệnh thường gặp và thường dẫn đến tàn phế và tử vong. Nhưng nó đã trở nên một bệnh tương đối hiếm ở những nước đã phát triển trong vòng 30 năm qua. Những thay đổi đó là nhờ từ hiệu quả của kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và từ việc sử dụng rộng rãi thuốc tạo miễn dịch ở trẻ em, đặc biệt là chống lại bệnh sởi và ho gà .
1, Nguyên nhân gây bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản có thể do bẩm sinh có thể do mắc phải; nhưng giãn phế quản chủ yếu là do mắc phải (thứ phát) sau viêm phổi vi rút, vi khuẩn… bệnh thường phát triển từ khi còn trẻ nhỏ. Quá trình viêm nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút đường hô hấp tái diễn khi còn nhỏ, lao phổi mạn tính (xơ hang, xơ phổi) là những nguyên nhân hay gặp của giãn phế quản .
+ Bình thường vi khuẩn rất khó kết dính vào biểu mô phế quản nhưng khi biểu mô phế quản bị tổn thương do độc tố vi khuẩn thì vi khuẩn lại dễ kết dính vào biểu mô và gây viêm dần dần làm cho thành phế quản bị phá huỷ và bị giãn. Các nội độc tố của vi khuẩn và các protease có nguồn gốc từ các tế bào viêm ở phổi hoặc các mạch máu, các gốc oxy hoá và các phức hợp kháng nguyên kháng thể có thể là trung gian gây tổn thương thành phế quản.
2, Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của giãn phế quản phụ thuộc vào độ lan rộng, mức độ nặng nhẹ, thời gian mắc bệnh và biến chứng . Giãn phế quản có thể phát triển ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu ở trẻ nhỏ, nhưng các triệu chứng lâm sàng thì xuất hiện muộn hơn từ sau tuổi trưởng thành đến tuổi già. Các triệu chứng lâm sàng thay đổi nhiều từ bệnh nhân này đến bệnh nhận khác, từ thời gian này đến thời gian khác trong mỗi cá thể, và tùy thuộc vào thể bệnh, mức độ bệnh và biến chứng . Nhìn chung khởi đầu của bệnh thường rất sớm (trước tuổi 20) hoặc từ tuổi nhỏ. Trong bệnh sử bệnh nhân thường hay có các đợt ho, sốt do nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp trên hoặc ở những bệnh nhân đã mắc lao phổi .
+ Giãn phế quản thể ướt: Toàn thân thường có những đợt sốt tái diễn,gầy sút thiếu máu, yếu sức . Các triệu chứng cơ năng thường gặp và là những triệu chứng cổ điển như: ho, khạc đờm nhiều, số lượng có thể tới 300ml/24giờ, thường khạc vào buổi sáng sớm. Khi có các đợt nhiễm khuẩn thì khạc đờm nhầy mủ, khi khạc đờm mủ thì bệnh nhân sốt tăng. Đờm khạc ra nếu để lắng vào cốc thì thường có 3 lớp theo thứ tự từ trên xuống: bọt – nhầy -mủ . Hầu hết các bệnh nhân có ho kéo dài và khạc đờm nhiều. Các triệu chứng này thường bắt đầu âm thầm và thường sau nhhiễm trùng hô hấp và có xu hướng nặng dần qua chu kỳ hàng năm . Ho ra máu là triệu chứng khá phổ biến có thể ho ra máu ít hoặc nhiều (trẻ em ít gặp ho ra máu) .
+ Giãn phế quản thể khô: Toàn thân ít khi có sốt, cơ thể ít gày sút. Triệu chứng cơ năng chủ yếu là ho ra máu tái diễn, ít khạc đờm . Triệu chứng khó thở thường gặp ở giãn phế quản lan toả, nặng ở giai đoạn cuối của bệnh .
Triệu chứng thực thể: Ngón tay dùi trống gặp ở 1/3 đến 1/2 số bệnh nhân giãn phế quản, nhưng chủ yếu gặp ở bênh nhân thể lan toả, thể ướt, bị lâu năm . Nghe phổi có ran ẩm, ran nổ ở một bên phổi hoặc cả hai bên đáy phổi, vị trí nghe khá cố định. ở thể giãn phế quản lan toả cả hai phổi bội nhiễm có thể nghe thấy cả ran rít, ran ngáy nhưng ran ẩm ran nổ vẫn chủ yếu. Khi có ran ẩm ran nổ khu trú thường xuyên ở đáy phổi, trong khi Xquang phổi chuẩn bình thường thì có thể nghĩ tới giãn phế quản . Có thể khám thấy hội chứng đông đặc co kéo do một thuỳ dưới phổi bị xẹp. Nghe phổi có tiếng rít, bệnh nhân khó thở nhanh nông và các biểu hiện suy giảm chức năng hô hấp và tâm phế mạn có thể gặp ở những bênh nhân già kết hợp với viêm phế quản mạn và khí phế thũng (COPD) .
Biến chứng:
1, Tiến triển Bệnh tiến triển mạn tính với các đợt bùng phát nhiễm khuẩn xen kẽ các đợt ổn định, bệnh tiến triển nặng dần không hồi phục . Nếu không điều trị hoặc điều trị không tốt bệnh nặng lên nhanh chóng dẫn đến tâm phế mạn .
2, Biến chứng
– Mưng mủ phổi: dịch mủ ứ đọng ở ổ giãn gây viêm phổi hoặc áp xe hoá .
– Ho ra máu giai dẳng hoặc ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, đặc biệt là ở cơ thể suy mòn gầy yếu .
– Suy hô hấp, suy tim phải, thoái hoá dạng tinh bột ở gan thận .
3, Dự phòng
– Phát hiện sớm những bệnh thường kết hợp với giãn phế quản có thể cho phép điều trị sớm hơn và ngăn chặn được sự phát triển của bệnh hoặc giảm được mức độ nặng của bệnh.
– Tăng cường miễn dịch ở trẻ nhỏ chống lại bệnh sởi, ho gà và nhiễm vi rút đường hô hấp .
– Điều trị tốt nhiễm khuẩn phế quản cho trẻ nhỏ và cúm, sởi, ho gà, cải thiện điều kiện sống và dinh dưỡng sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của giãn phế quản .
– Sử dụng rộng rãi vacxin cúm, sởi, vacxin đa giá .
– Phát hiện sớm và loại bỏ các dị vật đường thở và những tắc nghẽn phế quản, điều trị tích cực các nhiễm trùng hô hấp sẽ đề phòng được giãn phế quản .
– Điều trị triệt để các bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm amidal, vì từ những ổ nhiễm khuẩn này vi khuẩn dễ xâm nhập xuống đường hô hấp dưới và gây viêm phế quản .
– Điều trị triệt để lao phổi như lao sơ nhiễm, lao thâm nhiễm, lao phế quản .
– Điều trị tốt áp xe phổi . Đông y chữa bệnh giãn phế quản
II, Điều trị giãn phế quản theo tây y
1, Điều trị nội khoa
– Mục đích là chống nhiễm trùng, chống tăng tiết, tắc nghẽn đường thở và các biến chứng như khái huyết, giảm oxy máu, suy hô hấp, tâm phế mạn .
– Dẫn lưu đờm theo tư thế thích hợp, kết hợp vỗ rung để đờm khạc ra dễ dàng .
– Có thể dùng thuốc làm loãng đờm trong trường hợp khó khạc. Ví dụ cho uống natribengoat, mucomyst, phun mù a-chymotripsin, nước muối ấm…
– Dùng kháng sinh: điều trị tích cực các đợt bội nhiễm, điều trị kháng sinh cho đến khi hết sốt hết khạc đờm mủ .
– Tốt nhất là dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng và phối hợp hai loại kháng sinh .
– Điều trị các triệu chứng khác như ho, sốt, điều tri suy hô hấp, suy tim nếu có .
– Điều trị cầm máu bằng các thuốc gây co mạch như glandutrin, hypantin, transamin .
– Truyền máu tươi cùng nhóm những trường hợp ho ra máu nặng . Điều trị can thiệp mạch: Nếu ho ra máu tái diễn, ho ra máu nặng ở những bệnh nhân giãn phế quản lan toả có thể điều trị cầm máu bằng gây bít tắc động mạch phế quản. Người ta gây tắc phần thân và các nhánh phân chia của động mạch phế quản bệnh lý bằng cách bơm Spongel và hạt Contour (trộn trong thuốc cản quang pha loãng) qua ống thông chụp mạch vào làm tắc lòng động mạch nhằm loại bỏ các nhánh mạch liên quan tới vùng chảy máu, để lại cuống mạch (> 3cm) để chụp kiểm tra và tiến hành lại lần sau nếu tái phát ho ra máu
2, Điều trị ngoại khoa: Được đặt ra khi giãn phế quản khu trú có ho ra máu nặng đe doạ đến tính mạng bệnh nhận, hoặc ho ra máu giai dẳng ảnh hưởng đến sức khoẻ và lao động . Phẫu thuật cắt bỏ phân thuỳ phổi hoặc thuỳ phổi bị giãn phế quản là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất .
III, Đông y chữa bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là trạng thái bệnh lý của các phế quản bị giãn rộng toàn bộ hay từng phần, các lớp cơ đàn hồi của phế quản bị tổn thương do viêm nhiễm hoặc các tác nhân vật lý gây tắc đường hô hấp. Đặc điểm chủ yếu của bệnh là ho đờm thật nhiều, 50-100ml/ngày, liên tục, nhất là buổi sáng và dễ ho, dễ khạc khi đổi tư thế. Đàm có nhầy lẫn mủ, có khi chỉ có mủ. Ngộp thở, khó thở, ho ra máu, ngón tay dùi trống. Theo Đông y, bệnh thuộc phạm trù các chứng bệnh Khái Thấu, Khái Huyết.
Nguyên Nhân: Theo Đông y, bệnh phát sinh do 2 nguyên nhân: ngoại nhân và nội nhân. Ngoại nhân là do cảm phải phong hàn, phong nhiệt, tà nhập vào phế hóa nhiệt, nhiệt đốt tân dịch kết thành đờm lưu tại Phế. Mặt khác cơ thể bệnh nhân vốn Tỳ hư, đờm thấp nội sinh cũng tích tại Phế gây nên ho đờm nhiều. Ngoài ra, nhiệt tích tại Phế lâu ngày gây tổn thương Phế lạc sinh ho ra máu. Bệnh kéo dài không trị khỏi, Tỳ khí hư yếu không nhiếp được huyết, ho ra máu nặng hơn. Bệnh lâu ngày, chức năng Thận cũng bị ảnh hướng nên xuất hiện khó thở và phù. Về bệnh lý, cần chú ý 2 mặt đờm và ứ. Người bệnh thường ho nhiều đờm. Đờm nhiều ứ tụ lâu ngày gây trở ngai khí huyết lưu thông sinh ứ huyết, và ứ huyết cũng gây xuất huyết nên trong điều trị các y gia ngày xưa chú ý nhiều đến dùng thuốc hoạt huyết. Cho nên trong quá trình bệnh, 3 trạng thái bệnh lý đan xen nhau làm cho bệnh kéo dài lâu khỏi.
Triệu Chứng Lâm Sàng: Bệnh bắt đầu thường là ho kéo dài, nhiều đờm, có lúc đờm lẫn mủ, theo sự phát triển của bệnh, ho nặng hơn và đờm nhiều hơn. Dịch đờm để lắng thường chia làm 3 lớp: lớp trên là bọt, lớp giữa là dịch nhầy, lớp dưới là mủ và các tế bào tổ chức hoại tử, có mùi tanh hôi. Phần lớn bệnh nhân khạc ra máu, ít là sợi máu lẫn trong đờm. Bệnh nhân thường ho có cơn, ho nhiều và sáng sớm và lúc thay đổi tư thế. Trạng thái ho đờm có thể nặng lên lúc thay đổi thời tiết hoặc mắc bệnh ngoại cảm. Bệnh nặng có thể kèm theo phổi xơ, phế khí thũng, khó thở, ngón tay (chân) dùi trống.
Chẩn Đoán: Chẩn đoán chủ yếu dựa vào: Triệu chứng lâm sàng: Ho kéo dài, đờm nhiều có mủ (lượng mỗi ngày có thể 60-400ml) để lắng chia 3 lớp (bọt, dịch nhầy, mủ), mùi thối, ho ra máu tái diễn nhiều lần, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn phổi và đường hô hấp, sốt, sụt cân. Thiếu máu, bệnh lâu ngày có ngón tay dùi trống, dị dạng lồng ngực và có thể gây bệnh tâm Phế mạn. Chẩn Đoán Phân Biệt Giãn phế quản cần phân biệt chẩn đoán với Lao phổi, Viêm phế quản mạn tính, Áp xe phổi, Nang phổi tiên thiên… Chủ yếu biểu hiện khác hình ảnh X quang và mỗi loại bệnh đều có triệu chứng riêng.